BÁO ĐỘNG TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ (GESTATIONAL DIABETES) Ở VIỆT NAM
Tiểu đường thai kỳ (gestational diabetes) là một vấn đề đáng báo động do số lượng ngày càng tăng cao và bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả thai nhi và sản phụ. Bài viết sau sẽ phân tích về căn bệnh, tác hại tới sức khỏe, những sai lầm trong nhận thức của phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ và đề xuất cách chăm sóc sức khỏe.
Bài viết dựa trên kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường đã chia sẻ ở các bài trước. Các khuyến cáo cho phụ nữ có thai của toàn bộ bài được dịch sát theo chỉ dẫn của Bộ Y tế UK (NHS-UK).
1. BỆNH TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ RẤT PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM – NHƯNG HẦU NHƯ BỊ NGÓ LƠ
Như đã phân tích ở bài “Tổng hợp những điều cần biết về bệnh tiểu đường”, số người Việt Nam mắc bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng với 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường và 15 triệu người đang trong giai đoạn tiền tiểu đường. Trong đó, 70% số người bị tiền tiểu đường không hề biết về tình trạng bệnh của mình, không biết chăm sóc sức khỏe nên bước sang giai đoạn chính thức bị tiểu đường rất nhanh.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là bệnh tiểu đường đang ngày càng trẻ hóa ở Việt Nam với độ tuổi trung bình của người bắt đầu bị tiểu đường trong khoảng 25-30 tuổi. Đây là kết quả trực tiếp của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh, trong khi nhận thức của người dân về bệnh tật liên quan đến lối sống và chế độ ăn vẫn rất hạn chế. Điều đáng nói là lứa tuổi 25-30 tuổi chính là nhóm tuổi đang trong giai đoạn lập gia đình, sinh con cái. Do vậy, tiểu đường thai kỳ sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn nếu thanh niên 9X không có hiểu biết về sức khỏe của mình, tự gây hại cho con cái và bản thân mà không hề hay biết.
Theo báo cáo khoa học của nhà nghiên cứu Thạch S. Trần trên tạp chí Diabetes Care năm 2013 về tiểu đường thai kỳ ở Việt Nam, có khoảng 6% phụ nữ đang mang thai ở Việt Nam mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, so với tỉ lệ tiểu đường thai kỳ trung bình trên thế giới (4%). Tức là tỉ lệ này ở Việt Nam cao gấp rưỡi trung bình thế giới!
Vậy thực ra có bao nhiêu ca bệnh tiểu đường thai kỳ hàng năm ở Việt Nam? Chúng ta cùng tính nhé!
Dân số Việt Nam năm 2018 là 96,5 triệu người và tỉ lệ sinh trung bình là 15,5 ca sinh trên trung bình 1000 dân số chung. Do vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 96,5 triệu x 15.5 : 1000 = 1,49 triệu ca sinh.
Nếu tính cùng tỉ lệ tiểu đường thai kỳ trung bình trên thế giới (4%) thì số sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ là : 1,49 triệu x 4% = 59.830 người, tức gần 60.000 người.
Nếu dùng tỉ lệ tiểu đường thai kỳ trung bình của Việt Nam (6%) thì số sản phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ là: 1,49 triệu x 6% = gần 87.000 người.
Vậy vì lý do thiếu hiểu biết và chế độ ăn uống, tập luyện không hợp lý trong giới trẻ ở Việt Nam, vô tình có thêm khoảng 27.000 sản phụ bị mắc căn bệnh này mà phần nhiều không hề hay biết, gây ra những vẫn đề vô cùng nghiêm trọng khi mang thai và sinh nở, cũng như hậu quả sức khỏe lâu dài với sản phụ và em bé.
Do vậy, việc nâng cao ý thức về căn bệnh này khi bạn có ý định có thai là việc vô cùng quan trọng với sức khỏe của bạn.
2. TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ LÀ GÌ ?
Như chính tên gọi, căn bệnh này thực chất là bệnh tiểu đường (đường máu tăng cao mất kiểm soát) xuất hiện khi người phụ nữ mang thai, thường ở nửa sau của giai đoạn thai kỳ và tự nhiên biến mất sau khi sinh.
Những khái niệm đã được đưa ra về đường máu và insulin đã đề cập trong bài “Những biến chứng của bệnh tiểu đường” được áp dụng nguyên vẹn trong trường hợp này, bạn nên đọc lại bài này để hiểu rõ hai khái niệm này.
Căn bệnh này gây nguy hiểm cho thai nhi như thế nào?
Ở phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, lượng insulin do cơ thể mẹ tiết ra không đủ, do vậy đường đáng lẽ được chuyển vào gan, mỡ để cất đi hoặc đưa vào cơ để cung cấp năng lượng sẽ tích tụ lại trong mạch máu và đi vào thai nhi.
Thai nhi nhận được nhiều đường glucose hơn bình thường sẽ tiết thêm insulin để cố gắng cất bớt đường vào trong nội tạng của thai nhi.
Dưới tác động của sự tăng lượng insulin trong thai nhi, đường được chuyển hóa thành mô mỡ, làm cho em bé bị “béo phì” từ trong bụng mẹ.
Do vậy, bạn đừng nên vui vẻ khi sinh ra em bé nặng cân, vì em bé lúc sinh nặng từ 4,5kg sẽ có nguy cơ vai bị chèn vào xương chậu của mẹ, làm tổn thương dây thần kinh ở cổ, làm rạn xương quai xanh ở phía trên ngực, sát cổ và chấn thương cánh tay.
Bản thân những em bé này khi sinh ra có nguy cơ bị béo phì và tiểu đường và các bệnh chuyển hóa khác cao gấp nhiều lần các em bé có cân nặng lúc sinh trong khoảng bình thường.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Anh Quốc, sự tăng lượng đường trong máu sẽ gây ra những hậu quả sau:
Có nhiều đường hơn đi vào em bé làm cho em bé lớn nhanh và nặng hơn mức bình thường, dẫn đến việc sinh nở khó khăn, phải can thiệp kịp thời khi sinh để tránh nguy hiểm lúc chuyển dạ.
Tăng tích tụ dịch ối (polyhydramnios) gây sinh non hoặc nguy hiểm khi chuyển dạ.
Tăng nguy cơ sinh non, con chào đời trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
Gây ra tiền sản giật (pre-eclampsia) : là hiện tượng huyết áp của mẹ tăng đột biến trong lúc mang thai gây ra các cơn co giật, động kinh và tiếp theo là bị rối loạn, hôn mê. Các biến chứng của tiền sản giật là viêm phổi, xuất huyết não, suy thận và ngừng tim gây đột tử.
Em bé có đường huyến thấp, sau khi sinh bị vàng da, vàng mắt (jaundice) phải nằm cấp cứu ngay sau sinh.
Tăng nguy cơ thai chết lưu khi đường máu của mẹ quá cao
3. NHỮNG AI CÓ NGUY CƠ BỊ TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ:
Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều có thể bị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ này tăng cao hơn trong các trường hợp sau:
Nếu chỉ số BMI (body mass index) lớn hơn 30 (tức là người mẹ bị thừa cân trước lúc mang thai)
Nếu bạn đã sinh em bé trước có cân nặng trên 4.5kg (em bé có cân nặng ở mức này trở lên có nguy cơ bị các bệnh tim mạch, tiểu đường và bệnh chuyển hóa khác.
Bạn đã từng bị tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai trước.
Trong gia đình, bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường.
Gia đình xuất thân từ những vùng như Nam Á, Trung Quốc, Châu Phi sống ở vùng Caribee và Trung Đông (Saudi Arabia, Iran, Iraq, Dubai, Bahrain). Đây là đặc trưng di truyền của các nhóm dân cư này
4. NHỮNG TRIỆU CHỨNG BỊ TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ
Những triệu chứng này giống với những biểu hiện được mô tả trong bài “10 triệu chứng giúp phát hiện bệnh tiểu đường”. Hầu hết các thai phụ bị bệnh này sẽ có những biểu hiện sau:
Liên tục cảm thấy đói, khát
Đi tiểu thường xuyên
Miệng bị khô
Luôn thấy mệt mỏi
5. CÁCH XÉT NGHIỆM PHÁT HIỆN TIỂU ĐƯỜNG
Giống như các phương pháp đã đề cập trong bài “Cách phát hiện bệnh tiểu đường”.
Khi thăm khám trong tuần 8 đến tuần 12 của thai kỳ, nếu bác sỹ không hỏi, bạn phải tự yêu cầu kiểm tra để xem mình có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ hay không dựa vào tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. Vì sản phụ nào cũng có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, trong khoảng tuần thứ 24 và 28, bạn phải yêu cầu bác sỹ thực hiện chẩn đoán tiểu đường thai kỳ.
Các chỉ số sau được cung cấp bởi Bộ Y tế Việt Nam:
1) Phương pháp xét nghiệm phổ biến nhất là đo đường máu lúc đói (fasting blood glucose).
Tiểu đường thai kỳ khi đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
2) Phương pháp xét nghiệm thứ hai là phương pháp dung nạp glucose
Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi kiểm tra, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300 ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrate mỗi ngày.
Bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ khi:
Đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
Đường máu ở thời điểm 1 giờ sau uống glucose ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
Đường máu ở thời điểm 2 giờ sau uống glucose ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.
6.CÁCH ĐIỀU TRỊ TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ
Mục tiêu điều trị tiểu đường thai kỳ giống hệt với điều trị tiểu đường tuýp 2, tức là duy trì đường máu ở mức độ an toàn, không quá cao để gây hại cho sản phụ và em bé, cũng không quá thấp làm sản phụ ngất xỉu, sảy thai.
Có 4 hướng điều trị chính:
1)Liên tục tự kiểm tra đường máu
Gia đình có thể tự mua máy đo đường huyết của hãng Omron, Accuchek hay Onetouch của Johnson&Johnson. Cách làm đơn giản, sau 1 phút có kết quả ngay. Có thể dung để theo dõi đường với người đang bị tiểu đường mà không phải đến bệnh viện kiểm tra quá thường xuyên.
Phụ nữ mang thai nên đo đường huyết 2 thời điểm khác nhau: 1 là đường huyết lúc đói (fasting blood glucose), 2 là đường huyết sau khi ăn 1 tiếng (1-hour postprandial blood glucose)
Phụ nữ mang thai cũng cần biết chỉ số đường máu ở hai thời điểm này tốt nhất là ở trong khoảng nào để tránh gây hại cho cơ thể
2) Thay đổi chế độ ăn
Không bỏ bữa, ăn ít nhất 3 bữa mỗi ngày, nếu ăn theo chế độ 5 bữa / ngày thì cần điều chỉnh chất lượng đồ ăn để tránh ăn quá nhiều tinh bột.
Ăn các loại tinh bột có chỉ số đường huyết thấp (low glycemic index) như gạo nâu, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, hạt. Những nhóm thức ăn này sẽ được phân giải từ từ trong ruột nên không làm cho đường huyết tăng đột biến sau khi ăn. Nhóm thực phẩm này có thể được tìm thấy trong bài “Cách phân loại thức ăn theo chỉ số đường huyết (Glycemic index)”
Bạn nên chú ý là kể cả khi ăn thức ăn có chỉ số đường huyết thấp thì khẩu phần ăn cũng rất quan trọng, bạn nên tìm hiểu về chỉ số đường tải của từng loại thực phẩm (Glycemic load) tương ứng với từng khẩu phần ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp.
Ăn nhiều hoa quả (những loại có chỉ số đường huyết không quá cao) và rau xanh
Hạn chế ăn vặt đồ ngọt (bánh ngọt, bánh quy, trà sữa) mà nên ăn hoa quả, các loại hạt óc chó, hạt điều hay hạt hướng dương.
Hạn chế uống nước ngọt ( kể cả nước táo, nước cam và sinh tố) và các loại nước có gas.
Hạn chế ăn thịt hay protein có nhiều chất béo động vật (mỡ lợn, mỡ bò,…)
Ăn các thức ăn có chất béo không bão hòa, có lợi cho sức khỏe như đã nói trong bài “Cách phân loại thức ăn theo chỉ số đường huyết (Glycemic index)”
3) Tăng cường tập thể dục
Bạn nên tập thể dục cường độ vừa phải, khoảng ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng độ nhạy của cơ thể với insulin và tế bào cơ có thể nhanh chóng thu nạp glucose trong máu vào để tạo năng lượng cho vận động.
Các bài tập tốt là các bài tập làm bạn tăng nhịp tim nhanh hơn và phải thở mạnh hơn, ví dụ như đi bộ nhanh hay bơi lội.
4) Điều trị bằng thuốc
Nếu trong 1-2 tuần áp dụng các phương pháp trên mà đường máu của bạn vẫn rất cao thì bạn sẽ được điều trị bằng thuốc theo 2 hướng là uống metformin hoặc tiêm insulin.
Metformin: uống nhiều nhất 3 lần/ngày, trong hoặc sau bữa ăn. Tác dụng phụ: làm bạn mệt mỏi, buồn nôn, co thắt dạ dày, đi ngoài và chán ăn.
Tiêm insulin : được áp dụng khi bạn không thể uống metformin, hoặc uống metformin mà không có tác dụng, hoặc em bé quá lớn trong bụng và dịch ối quá nhiều.
Ngoài ra bạn phải kiểm tra thường xuyên hơn ở các thời điểm tuần 18-20 của thai kỳ để xem bất thường trong thai nhi, các tuần 28, 32, 36 để kiểm tra tốc độ em bé lớn và lượng dịch ối. Sau tuần 38 kiểm tra thường xuyên hơn để tránh sinh non, thai chết lưu,…
Vậy đó, để nuôi dưỡng một em bé khỏe mạnh từ trong bụng mẹ là một việc hoàn toàn không dễ dàng. Bạn cần trang bị cho bản thân nhiều kiến thức khoa học để bảo đảm sức khỏe của cả hai mẹ con trong suốt thai kỳ và cả những tháng ngày nuôi con vất vả về sau. Hiểu và biết cách phòng tránh, điều trị tiểu đường thai kỳ sẽ tránh cho người mẹ bị mắc bệnh tiểu đường và cả những tác hại với sức khỏe của đứa con trong suốt cuộc đời.
Cùng xem video về tiểu đường thai kỳ để điểm lại kiến thức bạn vừa đọc nhé.