top of page

CÁCH TÍNH SỐ ĐƠN VỊ CỒN KHI UỐNG RƯỢU BIA

Như đã giải thích ở bài trước, chất cồn (alcohol hay ethanol) có tác hại tức thời và lâu dài với hầu như toàn bộ cơ thể nếu uống quá nhiều. Nhưng cuộc sống này mà không có rượu bia thì buồn tẻ vô cùng! Vậy nên uống rượu bia với liều lượng bao nhiêu thì sẽ không gây hại cho cơ thể.

ĐƠN VỊ CỒN LÀ GÌ?

Ở nhãn chai rượu hoặc bia bất kỳ đều có 2 thông số chính ta cần biết. Thứ nhất là nồng độ cồn. Ví dụ bia 5%, rượu vang 13.5% và rượu mạnh 40%. Đây là con số chỉ lượng cồn có trong từng loại đồ uống chiếm bao nhiêu phần trăm thể tích của đồ uống đó.

Chỉ số thứ hai là thể tích của đồ uống. Thông thường, một lon bia có thể tích 330ml. Lon bia lớn hay một chai bia có thể tích 500ml, 1 ly rượu vang 100ml, 1 chai rượu vang 750ml. 1 chén rượu mạnh thể tích khoảng 30ml.

Công thức tích đơn vị cồn (ĐVC) theo hướng dẫn của Bộ Y tế Anh Quốc (NHS – National Health Servive, UK) (1)

Số đơn vị cồn = Nồng độ rượu (%) x Thể tích (ml) : 1000

Ví dụ: Trong 1 lon bia 330ml có nổng độ 5% thì số đơn vị cồn = 5 x 330 : 1000 = 1.65 (đơn vị) Trong 1 chén rượu 30ml có nồng độ 40% thì số đơn vị cồn = 40 x 30 : 1000 = 1.2 (đơn vị) Trong 1 ly rượu vang 100ml có nồng độ 13.5% thì số đơn vị cồn = 13.5 x 100 : 1000 = 1.35 (đơn vị) Tuy kiến thức hóa học nghe thì “hoành tráng” nhưng học sinh tiểu học cũng tính được ngay lập tức.

“DÙ GÁI HAY TRAI CHỈ HAI LÀ ĐỦ”

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng Việt Nam và của Bộ Y tế Anh Quốc (NHS – National Health Servive), một người chỉ nên uống 2 đơn vị cồn/ngày hay 14 đơn vị cồn/tuần sẽ tránh được tác hại của rượu lên cơ thể.

Vậy thì theo công thức trên, trong 1 ngày bạn chỉ nên uống nửa lít bia hoặc 1-2 chén rượu hoặc 1 ly rượu vang. Lượng này đủ để thần kinh phấn chấn, máu chảy dạt dào và con tim biết “thổn thức” hơn mà lại không gây hại gì khác cho cơ thể. Thực tế, trong rượu vang đỏ có hợp chất chống oxy hóa có tên là resveratrol và quercetin tốt cho người bị xơ vữa động mạch, hạn chế nhồi máu cơ tim. Rượu vang hay một lượng rượu nhỏ có thể làm cho não có thể thải bớt cặn bã dư thừa để đầu óc “thông thoáng” hơn. (2)

Tuy có công thức tính như trên nhưng khi đi nhậu lại phải mang theo máy tính và ống đong thể tích thì không những bất tiện mà còn bị gọi là “mát dây”. Vậy cho nên trên bàn nhậu nếu bạn chỉ biết loại rượu và biết nồng độ cồn thì hãy rút điện thoại, giả vờ đang selfie tìm hình sau sẽ thấy số ĐVC “thần thánh” đó.

Nguồn tài liệu:

(1) Bài báo trên Sức khỏe đời sống (2) Bài báo nói rượu vang có chất oxy hóa tốt cho hệ tim mạch (3) Ảnh đã chỉnh sửa từ trang BBC https://www.bbc.co.uk/news/uk-16470686

bottom of page