TỔNG HỢP NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Năm 2013, báo New York Times đăng bài viết nói rằng “Tiểu đường là căn bệnh Việt Nam phải trả giá khi phát triển kinh tế”. Ảnh minh họa là một bệnh nhân tiểu đường bị cắt cụt chân vì hoại tử quá nặng. Điều này cho thấy căn bệnh này đang dần phổ biến hơn ở VN. Vậy có bao nhiêu người Việt hiểu biết rõ về căn bệnh này? Liệu bản thân mình có phải “trả giá” hay không?
1. BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LÀ GÌ?
- Là bệnh rối loạn chuyển hóa mà đường bị tích tụ trong mạch máu thay vì được cất trữ trong tế bào gan mỡ hay chuyển vào cơ. Lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu. - Biến chứng nguy hiểm: đã giải thích ở bài “Những biến chứng của bệnh tiểu đường”. Những biến chứng này gồm có tổn thương mạch máu nhỏ (mù mắt, hoại tử chân tay, hỏng dây thần kinh, suy thận) và tổn thương mạch máu lớn (gây suy tim, tai biến mạch máu não).
2. TẠI SAO NGƯỜI VIỆT CẦN BIẾT THÊM VỀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG?
- Thứ nhất, vì số người Việt bị tiểu đường ngày càng tăng. Năm 1991 chỉ có 1% dân số bị tiểu đường, đến năm 2017 là 6% dân số, tức có hơn 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Trung bình ở Việt Nam, cứ 20 người thì 1 người bị tiểu đường (thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới).
Số người chết vì bệnh tiểu đường ở Việt Nam là 53.458 người trong năm 2015. Trung bình 1 bệnh nhân tiểu đường phải tốn 162.7 USD (gần 4 triệu) một năm mua thuốc trị tiểu đường.
- Thứ hai, số người bị tiền tiểu đường, tức là có nguy cơ cao bị tiểu đường, cao gấp 3 lần số người bị tiểu đường, tức là khoảng 15 triệu người. 70% số người tiền tiểu đường ở Việt Nam không được phát hiện, nên có nguy cơ tiến triển thành bệnh tiểu đường rất nhanh.
- Thứ 3, không thể đổ thừa tiểu đường là bệnh của người già. Hiện nay, người bắt đầu bị tiểu đường ở Việt Nam càng ngày càng ít tuổi (25-30 tuổi) so với trung bình 40 tuổi trước đây.
- Thứ 4, phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ bị tiểu đường (gestational diabetes) gây hại cho sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng trước và sau khi sinh
Vậy tương lai gần, tiểu đường sẽ thành đại dịch lớn ở Việt Nam, góp phần gây ra bệnh tim mạch, thần kinh và ung thư nếu bản thân mỗi người không biết để theo dõi và phòng tránh.
3. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH:
- Bệnh tiểu đường là bệnh do lối sống sinh ra. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam làm nhiều người đang làm nghề lao động chân tay chuyển sang nghề mới như nhân viên văn phòng, buôn bán, kinh doanh. Do vậy, chế độ ăn và hoạt động thể chất cũng thay đổi theo.
- Ít hoặc không hề tập thể thao vì lý do công việc, không có không gian tập luyện.
- Sự xuất hiện hàng loạt các chuỗi bán thức ăn nhanh, đồ giải khát nhiều đường (trà sữa, cà phê) làm dân đô thị “ăn” nhiều đường hơn mức cho phép.
- Dân đô thị càng ăn ngon, ăn nhà hàng nhiều thì càng dễ mặc bệnh.
- Do chế độ ăn thay đổi, tỉ lệ người thừa cân, béo phì tăng cũng dễ bị bệnh tiểu đường.
- Thói quen uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá làm cho người gầy cũng dễ bị bệnh tiểu đường.
- Người Việt thích ăn cơm nên không chịu bớt khẩu phần cơm ăn hàng ngày. Cơm là tinh bột xấu làm tăng nhanh đường máu và tăng nhanh lượng insulin trong máu.
- Ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thực phẩm nhập từ Trung Quốc tăng. Người Việt cũng hại nhau qua thực phẩm độc.
- Hệ thống y tế lạc hậu, phương pháp chẩn đoán sớm phòng ngừa không hiệu quả. Thực tế, bác sỹ dồn hết về làm việc ở thành phố lớn trong khi bệnh nhân thì ở khắp nơi. Kết quả là bệnh nhân chỉ đi khám khi thấy rất yếu, tức là khi bệnh quá nặng.
4. CÁCH PHÁT HIỆN TIỂU ĐƯỜNG:
Đã giải thích trong bài trước, người bị tiểu đường sẽ có những biểu hiện chính sau: • 1. Hay bị khát, hay đi tiểu • 2. Hay bị đói dù ăn rất thường xuyên • 3. Luôn thấy mệt mỏi • 4. Mắt kém • 5. Giảm cân đột ngột mà không hề ăn kiêng hay luyện tập • 6. Da khô, ngứa • 7. Nhiễm trùng với nấm (nhiễm trùng âm đạo) • 8. Lâu lành vết thương • 9. Da xuất hiện nhiều mảng tối màu ở cổ, nách, háng, khuỷu tay, sau đầu gối hay trên đốt ngón tay • 10. Tê bì, ngứa chân tay
Phương pháp chẩn đoán:
1. Đo đường máu lúc đói : tiểu đường khi đường máu cao hơn 126mg/dL (7mmol/l), tiền tiểu đường : 00 đến 126mg/dL (5.56 đến 7mmol/L) 2. Đo haemoglucose A1C: tiểu đường khi cao hơn 6.5%, tiền tiểu đường: 5.7%-6.4% 3. Đường máu theo dung nạp 75g glucose, theo dõi trong 2 tiếng sau khi uống glucose: người tiểu đường > 200mg/dL (hay 11,1 mmol/L), người tiền tiểu đường: trong khoảng 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L)
5. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ KIỂM SOÁT:
Đã giải thích trong bài trước, gồm có:
- Tăng tập luyện thể thao (bơi, chạy, đạp xe, HIIT, yoga). Luyện tập các bài tập làm bạn phải thở nhanh, tim đập mạnh hơn sẽ làm cơ bắp cần nhiều năng lượng để làm việc. Khi đó, cơ sẽ "đòi ăn" nhiều hơn và tự động lấy đường từ máu vào để tạo năng lượng. Điều này có thể xảy ra ở tế bào ngay cả khi insulin vắng mặt. Vô cùng tuyệt vời phải không nào?
- Ăn uống lành mạnh (xem trên trang facebook của @Hana Giang Anh để biết về EAT CLEAN cũng như các bài tập thể thao dễ thực hiện tại nhà)
- Thuốc tiểu đường: đã giải thích ở bài trước, chủ yếu làm giảm tiêu hóa, tăng độ nhạy của insulin, ức chế gan thả glucose vào máu, làm thận thải nhiều glucose hơn, tăng hoạt động của hormone incretin. Thuốc nào cũng có tác dụng phụ, hiệu quả giảm dần theo thời gian điều trị.
Nói chung, phần lớn các bệnh tật không phải do di truyền gây ra có mối quan hệ mật thiết với thói quen sinh hoạt bao gồm chế độ ăn, cách luyện tập thể thao và giờ giấc ngủ nghỉ. Nếu bạn may mắn được sinh ra khỏe mạnh, không bị bệnh tật, bạn nên trân trọng cơ thể và giữ gìn sức khỏe của mình bởi vì "sức khỏe là tài sản quý giá nhất". Hãy dũng cảm đối diện với căn bệnh tiểu đường hiện đang "hoành hành" tại Việt Nam. Quan trọng nhất, việc nâng cao hiểu biết về căn bệnh này sẽ giúp bạn chế ngự được đường máu hiệu quả và hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra với bản thân mình.
Nguồn tài liệu: Bạn click vào những nơi có gạch chân sẽ tìm được link gốc của thông tin