top of page

NẾU CÓ KIẾP SAU … TÔI LẠI VẪN CHỌN “NGHỀ ĐƯA ĐÒ”


Vì sao tôi chọn nghề dạy học ?


Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, theo gia đình tản cư tại Mỹ Đức, gần Trinh Tiết – Hà Đông. Lúc này ở gần trường trung học kháng chiến Nguyễn Huệ nên tôi cùng anh ruột Nguyễn Viết Thọ theo học được 2 năm (1947-1949). Sau trường chuyển về Thanh Hóa, không có điều kiện tiếp thục theo học, vào năm 1950, bô tôi, cụ Nguyễn Văn Mai (cụ là cán bộ Ngân hàng Hà Đông), vì mặt trận lan rộng, đã nghĩ ra chủ trương giáo dục cho gọn nhẹ trong thời chiến. Trong hoàn cảnh đó gia đình phải hồi cư về Hà Nội.


Trở về ít lâu, tôi theo học tiếp tục ở một số trường tư: Nguyễn Huệ (ở bờ sông), Văn Lang và Khai Thành. Kết hợp với tự học và bắt liên lạc với tổ chức học sinh kháng chiến nội thành và hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên: tuyên truyền về kháng chiến gieo bao nhựa sống, vận động chống bắt lính….


Tốt nghiệp Tú tài I, rồi Tú tài II (tức Tú tài toàn phần – tương đương trình độ lớp 12), 2 lần bị bắt hụt vì lúc đó tôi đang ở tuổi bị bắt lính. Tổ chức, trước tình hình đó, cho phép tôi cùng một số bạn tạm lánh, theo “đường dày” ra vùng tự do ở Kép Le (Thái Nguyên) – tháng 6/1954.


Cuối tháng 9/1954, tổ chức Học sinh kháng chiến nội thành cử anh tôi ra báo cho chúng tôi trở về dự lớp huấn luyện chuẩn bị tiếp quản “Thủ đô”. Khi trở về tôi được phép phân công làm công tác thông tin tuyên truyền ở Sở Văn hóa thông tin Hà Nội. Chính những ngày học ở Trung học Kháng chiến Nguyễn Huệ và sau này hoạt động trong tổ chức Học sinh kháng chiến nội thành, tôi đã hiểu phải làm gì ở lứa tuổi của chúng tôi và điều đó đã ảnh hưởng tới bước đi sau này của tôi và coi đó là một bước ngoặt trong cuộc đời của tôi về mặt tư tưởng và hành động.


****


Rồi Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến tranh kết thúc, khi đó tôi vừa thi xong Tú tài toàn phần và chuẩn bị học Đại học.


Bản thân tôi thích nghề thầy thuốc (nghề Y). Lúc đó nếu học Đại học Y thì chỉ cần ghi tên vì học sinh đỗ Tú tài toàn phần thì không phải thi và thực tế tôi cũng đã ghi tên vào Y. Song vì hoàn cảnh gia đình tôi đông anh em (7 anh chị em) mà bố thì đã già khó có điều kiên lo học cho cả 7 anh em, tôi vì anh cả tôi cũng thi đỗ Tú tài một lần, anh tôi cũng ghi tên vào Y. Tôi suy nghĩ nếu cả 2 anh em đều học Y thì chắc chắn các em tôi không có điều kiện học lên, đồng thời lúc đó theo lời kêu gọi của Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Lê Văn Thiêm vận động học sinh vào Sư phạm. Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lặp lại, trước yêu cầu phát triển giáo dục sau giải phóng, tôi đã không mấy đắn đo và sau khi cân nhắc kỹ tôi đã quyết định chọn “nghề dạy học”, mặc dù vào sư phạm thì phải thi vì có học bổng nên số học sinh dự thi đông, lại học gấp có 2 năm (nhưng học chương trình 3 năm, học liên tục không có nghỉ hè) trong khi đó nếu học Y thì những 6-7 năm, như vậy ít nhất cũng giải quyết được một phần khó khăn cho gia đình, các em tôi có điều kiện học tập…


Tôi thi đỗ vào sư phạm. Tôi cùng 24 anh chị em trở thành lứa sinh viên đầu tiên của Khóa Hóa-Sinh-Địa của Trường Đại học Sư phạm Khoa học Tự nhiên, lớp Vạn Vật I. Tôi chọn nghề dạy học trong hoàn cảnh như vậy đó. Không phải hoàn toàn tự nguyện ngay từ đầu, nhưng rồi nghề dạy học đã thực sự cuốn hút tôi, tuy không đem lại sự giàu sang về tiền bạc nhưng giàu về tình người! Và qua 60 năm trải nghiệm tôi đã không nhầm khi chọn “nghề dạy học”!


Tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi


Cuối năm 1956 tốt nghiệp, 25 con người trẻ trung của lớp Vạn Vật I ngày ấy tung bay về muôn phương, một số ít bạn đỗ vào loại giỏi được giữ lại trường, đa số về dạy ở các trường phổ thông, nơi đang cần các thầy giáo trẻ vì sau kháng chiến chống Pháp, hệ thống trường Trung học được mở rộng.

Là người gốc Hà Nội, tôi có thể ở lại một trường ở Hà Nội. Nhưng các trường mới mở ở các tỉnh xa đang cần giáo viên (Khi đó nhiều trường phải điều giáo viên cấp II lên cấp III), ngoài một số anh em được phân công về dạy ở các địa phương đúng theo nguyện vọng (Thanh – Nghệ - Tĩnh. Phòng tổ chức nhà trường gặp khó khăn nhất trong phân công là yêu cầu của các tỉnh xa như Phúc Yên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên… mà chưa biết phân công ai (?).


Ở lại dạy các trường phổ thông ở Hà nội, đương nhiên phải là ưu tiên những người có học lực khá. Trước khó khăn đó, tôi là một cán bộ của lớp phụ trách về mặt học tập được ông Bình, trưởng phòng tổ chức của trường, đề nghị cùng ông tham gia giải quyết. Với lòng nhiệt tình cao của tuổi trẻ lúc đó, tôi cùng một số anh em không mấy đắn đo đã bàn bạc và cùng nhau giúp tổ chức giải quyết khó khăn đó: anh Nguyễn Như Ất tự nguyện lên dạy Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên), chị Tôn Thị Tích Hường xung phong về dạy ở trường Hùng Vương (Phú Thọ). Phúc Yên cần một giáo viên, hai anh em Trần Kiên, Trần Bảo đều tình nguyện lên đó. Trần Kiên là anh lớn muốn nhường thuận lợi cho em, nhưng Trần Bảo đề nghị anh lớn phải ở lại chăm lo mẹ già lúc đau yếu. Kết quả cuối cùng Trần Kiên phải ở lại và Trần Bảo đi. Tôi, thay vì có thể ở lại Hà Nội công tác, đã tình nguyện lên công tác Lạng Sơn thay cho bạn Nguyễn Thị Ngọc Bích, có con nhỏ lại bị bệnh tim bẩm sinh, nên sẽ gặp khó khăn nếu đi xa, lại càng khó khăn khi độc lập công tác về chuyên môn. Nếu ở lại Hà nội, sự hỗ trợ của tập thể các bạn đồng môn sẽ vượt qua những khó khăn trong chuyên môn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Việc làm này của chúng tôi, nhất là tôi, được thầy Lê Quang Long rất quý nên thầy thường nhắc lại để các lớp sau noi gương về tinh thần “ba sẵn sàng” của chúng tôi.


Tôi giấu gia đình về quyết định này của mình. Khi chuẩn bị chia tay anh Nguyễn Đình Giậu, bạn thân của tôi đã khóc và nói với tôi khi biết tôi tình nguyện đi Lạng Sơn: “mình, bố mẹ mất sớm, rất thiếu tình cảm thân thương của gia đình, không hiểu sao Vinh được ở gần gia đình mà lại bỏ đi xa, lên tận Lạng Sơn ??”


Tiễn tôi lên đường chỉ có người bạn thân thiết nhất của tôi hồi đó là Dương Đình Thiện, bạn học từ phổ thông, khi đó là Sinh viên Y khoa năm thứ II. Cảm thông với hoàn cảnh của tôi lúc đó Thiện đã tiễn tôi đến Bắc Ninh mới xuống và thể hiện sự cảm thông bằng xiết chặt tay tôi, không nói một lời vì mọi điều cần nói đã thổ lộ hết từ đêm trước hầu như thức trắng rồi…


Tàu càng lúc càng xa Hà Nội và tiến sâu dần vào các vùng miền đồi núi sau khi tàu qua Bắc Giang. Tôi cảm nhận sự khác biệt rõ rệt về khí hậu ở vùng sơn cước này so với Hà Nội. Cái lạnh về chiều càng thấm sâu và càng lúc càng thấy nhớ nhà, nhớ Hà Nội đến nao lòng.


Tàu đến Lạng Sơn vào lúc chiều muộn, nhưng được biết trước tôi là giáo viên tình nguyện lên góp phần xây dựng giáo dục miền núi nên các cán bộ giáo viên của trường đã chuẩn bị đón tiếp bằng một rổ “áp chao” lót lá chuối (thịt vịt tẩm bột rán – món ăn buổi tối đặc trưng của Lạng Sơn) làm tôi cảm thấy ấm lòng khi lần đầu tiên xa nhà trong một buổi tối mùa đông.

Đặc biệt là học sinh nội trú nghe tin có thầy giáo mới về cũng kéo nhau lên chào, phần vì lòng tôn sư trọng đạo, phần vì tò mò, hiếu kỳ nhưng dù sao cũng cảm thấy ấm lòng, không còn cảm thấy xa lạ giữa các đồng nghiệp và học trò.


Đêm đến, trong sự tĩnh lặng của căn phòng nhỏ, chỉ nghe thấy tiếng gió đông rít từng cơn qua khe cửa sổ đóng chưa được khít. Trằn trọc mãi mà không sao chợp mắt được nên càng cảm thấy lạnh lẽo và lại càng thêm nhớ nhà, nhớ Hà Nội … Nhưng rồi vì quá mệt sau một chặng đường dài ngồi tàu, hơn nữa đêm trước đã thức trắng để tâm sự cùng bạn chí cốt nên rồi cũng thiếp đi được một lúc.


*****


Những kỉ niệm khó quên


Những ngày đầu mới bước vào nghề đã để lại trong tôi những kỉ niệm khó quên.


Chuẩn bị cho buổi lên lớp đầu tiên, tôi soạn bài rất cẩn thận, rất kỹ và đọc đi đọc lại rất nhiều lần đến mức gần như thuộc lòng. Trình bày chậm rãi chỉ mất khoảng 25 phút, còn những 20 phút mới hết một tiết, phải làm gì? Có kiểm tra đầu giờ và củng cố bài mới cùng lắm cũng mất 10 – 15 phút. Vẫn còn thừa giờ! Cần phải lấp chỗ trống đó, tôi đã chuẩn bị một số mẩu chuyện có lien quan đến bài lấy từ cuốn “đời sống động vật” đã mua ở hiệu sách ngoại văn phố Tràn Tiên khi chuẩn bị cho chuyến đi xa này…


Chuẩn bị cẩn thận, thế mà khi lên lớp có nhiều học sinh lớn tuổi nên cũng cảm thấy có phần e ngại, nhưng rồi tôi cũng tự trấn an, nghĩ dù sao mình hơn hẳn học sinh “một cái đầu” nên lấy lại được bình tĩnh ngay và hoàn thành bài dạy đầu tiên khi vừa có trống hết giờ.


Sau khi thầy trò đã cảm thấy gần gũi vì sự nhiệt tình và quan tâm tới các em trong lúc giảng, các em mới mạnh dạn thú thật: “Có lẽ hôm đầu thầy hơi run phải không ạ? Vì chúng em thấy quần thầy tuy là rất cẩn thận, ly quần rất thẳng nhưng nó cứ rung rung thế nào ấy.”


Rồi tất cả những căng thẳng của buổi ban đầu ấy cũng nhanh chóng qua đi và dần dần học sinh cảm thấy hứng thú với các tiết sinh học tôi dạy vì tôi thường dùng những mẩu chuyện vui, hấp dẫn có liên quan đến tiết học xen lẫn trong bài giảng giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ nội dung chính của bài. Ngoài ra trong quá trình dạy tôi rất quan tâm tới nguyên tắc trực quan. Những bài giảng về sinh lý có liên quan đến thí nghiệm, tôi cố gắng tiến hành, những bài thuộc kiến thức hình thái giải phẫu, tôi cố gắng cho các em quan sát mẫu mổ hoặc vẽ hình minh hoa vì “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một lần làm” cũng có nghĩa là “nghe thì quên, nhìn thì nhớ, làm thì hiểu”. Vì Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, các tri thức khoa học thu lượm được là kết quả của các quan sát và thí nghiệm, thực nghiệm khoa học đúc rút ra.


Đã có lần, để hiểu rõ về tính tự động và sự hoạt động nhịp nhàng của tim, hoạt động của cơ hoành trong hô hấp, tôi đã mổ thỏ sống cho các em quan sát sự co dãn của cơ hoành theo nhịp thở. Sau đó tôi cắt cơ hoành một lỗ thủng, phổi thỏ bị xẹp, hô hấp ngừng. Cắt bỏ cơ hoành để lộ rõ tim, tim vẫn co bóp nhịp nhàng một lúc mới ngừng vì thiếu oxy do phổi không hoạt động. Vì mổ sống nên thỏ kêu thảm thiết. Em Bảo, học sinh lớp 7 khi thấy thỏ kêu, em cũng kêu “Sao thầy ác thế?”. Tôi đáp: “Nếu thầy chịu tiếng ác thì các em mới hiểu rõ được hoạt động hô hấp và tuần hoàn trong cơ thể sống.”


Đặc biệt là khi dạy các kiến thức sinh lý lớp 8, tôi thường tiến hành các thí nghiệm vốn trên đối tượng ếch nhưng Lạng Sơn lạnh nên hiếm ếch, thậm chí không có, nên tôi thay bằng cóc. Cóc có ở khắp nơi, tôi đã từng bắt cóc bên bờ suốt cạnh con đường đi sang Kỳ Lừa bằng đèn pin. Soi đèn khi bắt gặp các đốm sáng đỏ, đó là phản xạ với ánh sáng đèn của mắt cóc, lần đến bắt rất dễ vì cóc rất chậm, nhảy không xa.


Tôi đã tiến hành hầu hết các thí nghiệm trên cóc khi dạy các kiến thức về sinh lý tuần hoàn, sinh lý cơ và cơ-thần kinh. Qua các thí nghiệm đã tiến hành, tôi rút ra nhận xét là có thể thay thế hoàn toàn các thí nghiệm sinh lý trên cóc. Hơn nữa cóc khỏe hơn ếch, sức chịu đựng cao hơn ếch và sống dai hơn ếch.


Ngoài tiến hành các thí nghiệm, tôi còn dành thời gian xây dựng dần các mẫu ngâm giải phẫu, mẫu nhồi một số các động vật và làm một số bộ xương của động vật có xương sống (mèo, chim bồ câu) để giới thiệu khi dạy trên lớp hoặc quan sát củng cố khi ôn tập hoặc làm mẫu cho các buổi thực hành mổ động vật để quan sát các nội quan và mặt khác để bổ sung, làm phong phú dần cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm nhà trường mà khi mới đến thăm phòng thì chỉ có mô hình đầu người cổ đại, một mô hình bán thân có thể tháo lắp các nội quan và một mô hình bộ xương người do Trung Quốc trang bị.


Tất cả những việc làm và cố gắng trên đây đã thu hút học sinh vào các tiết dạy và khiến các em thích thú với bộ môn.


Ngoài giảng dạy sinh học, tôi còn phải nhận dạy cả Hóa vì trường thiếu giáo viên Hóa, khi đó thầy Vương Thiệu Hùng chưa lên.


Phải dạy trái môn đã khó, làm thí nghiệm Hóa cũng khó hơn, nhưng môn Hóa cũng là một khoa học thực nghiệm nên không thể dạy mà không có thí nghiệm minh họa, nhưng vì không được học nên không biết nội quy đảm bảo an toàn khi làm các thí nghiệm trong môn Hóa.


Có lần dạy về Phospho, khi làm thí nghiệm điều chế Phospho trắng từ Phospho đỏ (dùng pháo xiết), tôi đã làm thử trước. Chui vào một hầm nhốt thỏ trong phòng thí nghiệm để tiến hành thí nghiệm. Khi chuyển thành phospho trắng nó phát quang, trông rõ, rất đẹp. Nhưng cũng chính lúc đó tôi cảm thấy tức ngực và khó thở nên vội chui ra khỏi hầm để hít thở không khí lạnh ngoài cửa sổ. Sau xem lại tài liệu tôi mới biết, chỉ cần vài milligram vào trong cơ thể là có thể chết. Thật “điếc không sợ súng”!


Lại một lần khác, tôi dùng một ống nghiệm để tạo một bình kíp đơn giản khi làm thí nghiệm điều chế Hydro bằng HCl cho tác dụng với Zn (kẽm). Khi thấy bọt khí sủi lên, tôi bật lửa châm vào ống thoát khí, lửa vừa đưa tới gần thì một tiếng nổ lớn, nút thì bật lên mà đáy ống nghiệm bị vỡ bật xuống sàn nhà, tay tôi chỉ còn giữ được nguyên thân ống nghiệm! May mà không có học sinh nào bị thương, nhưng không còn lòng dạ nào dạy tiếp được nên tôi phải cho lớp nghỉ và tim đập như trống làng! Tôi sợ thật sự.


Đó là những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời đi dạy. Chỉ vì nghĩ sinh vật và hóa mà tôi đảm trách đều là những khoa học thực nghiệm.


Lời kết


Với tất cả lòng hăng say và nhiệt tình của tuổi trẻ, với sự cố gắng trong giảng dạy và gần gũi, chia sẻ với học sinh những niềm vui, nỗi buồn của các em nên được các em rất quý mến, gần gũi. Mặc dầu chỉ dạy 3 tháng kể từ ngày đầu bước vào nghề “gõ đầu trẻ” được nghỉ về ăn Tết mà các em rất đông ra tận ga để tiễn biệt thầy. Nước mắt chạy vòng quanh, có một số em khỏe thực sự như không muốn thầy rời xa. Các em nghẹn ngào trong nước mắt, giọng đầy xúc động, dặn: “Thầy nhớ trở lại với chúng em nhé!”. Một số em tiễn thầy đến tận ga Đồng Mỏ mới xuống để chờ tàu quay trở về trường.


Tình cảm mà các em dành cho tôi làm tôi thay đổi nhận thức về nghề dạy học. Nghề dạy học không giàu vì tiền mà giàu vì tình.


Đến năm nay là trọn 60 năm giành hết tâm sức cho nghề dạy học và nếu còn sức khỏe tôi sẽ còn cống hiến cho sự nghiệp trồng người này.


Và nếu có kiếp sau, tôi lại vẫn chọn nghề này! Nghề DẠY HỌC.

Hà Nội, 15 tháng 11 năm 2016.

PGS. TS Nguyễn Quang Vinh.


bottom of page