NHỮNG BÔNG HOA SAKURA TRONG PHỔI
DẠO BƯỚC XỨ PHÙ TANG
Khi những bông hoa anh đào sakura bung cánh đón xuân, cả đất nước Nhật Bản vốn trầm lặng bỗng đột nhiên tỉnh giấc. Người dân Nhật lại bắt đầu rủ nhau đi ngắm hoa anh đào. Đây là tập tục Hanami được kế thừa qua nhiều thế kỷ. Mùa hoa bắt đầu cuối tháng 3 ở Kyushu và tiến dần về phía đông bắc tới Hokkaido vào đầu tháng 5. Nếu muốn thưởng thức lễ hội hoa anh đào tại Tokyo, bạn hãy tới nhà ga Nakameguro, sau đó ra bờ sông Meguro để hòa mình vào dòng người thư thái ẩn mình trong sắc hồng mộng mơ của những cánh hoa nở rộ trên cành, bay bay trong không khí như những bông tuyết hay gieo mình phủ nhẹ lên mặt sông. Những bông hoa anh đào mỏng manh, đẹp đó nhưng chóng phai tàn, như một lời nhắc nhở mọi người không có điều gì là vĩnh cửu.
Cây anh đào là một cây thân gỗ nhỏ có thân đơn, ngắn. Từ một thân chính, cây có thể chia ra một vài cành lớn và từ đó tỏa ngang ra các cành nhỏ tạo tán rộng. Đầu mùa xuân, hoa anh đào bung ra 5 cánh, mọc thành một cụm 4-5 bông gắn trên một chồi ngắn nơi những chiếc lá non cũng bắt đầu trổ ra.
CÂY ANH ĐÀO TRONG LỒNG NGỰC
Trong cơ thể mỗi người cũng có một cây anh đào rộ hoa như vậy. Chỉ khác là cây đó bị đảo ngược lại thôi! Cơ quan độc đáo đó chính là hệ thống hô hấp của người. Đầu tiên, khí quản trông giống như thân cây anh đào, đây là ống lớn nhất dẫn không khí từ mũi, khoang miệng đi vào phổi. Không khí từ khí quản sẽ chính thức đi vào 2 lá phổi qua hai ống khí chính. Mỗi lá phổi có cấu trúc giống nhau, chỉ khác lá phổi trái gồm 2 thùy, lá phổi phải có 3 thùy.
Phế quản là nơi khí quản chia đôi thành 2 “cành cây” lớn (Phế là phổi, quản là ống, phế quản là ống dẫn vào phổi). Các phế quản chia nhỏ thành các tiểu phế quản, là những ống dẫn khí nhỏ hơn và phân nhánh nhiều hơn. Cuối cùng, không khí tới phế nang (nang là túi, phế nang là túi trong phổi). Đây chính là “chùm hoa anh đào” trong phổi, nơi không khí sạch nhiều O2 đi vào máu và máu trả khí CO2 vào phế nang để thải ra ngoài. Khi bạn hít vào, phế nang sẽ căng phồng lên như quả bóng và sẽ xẹp xuống trở về kích thước cũ khi bạn thở ra.
CHUYẾN ĐI CỦA CHÀNG LÃNG TỬ OXYGEN
Có một mối nhân duyên giữa hai cây anh đào xuôi và ngược. Đó chính là sự luân chuyển của khí O2 và CO2 giữa hai “cây” này.
Dưới ánh nắng mặt trời, lá cây anh đào có khả năng quang hợp, nhận CO2 vào qua các cổng nhỏ xíu trên lá gọi là khí khổng để tạo đường dự trữ và khí O2. Quá trình quang hợp thực hiện theo phương trình giản lược:
CO2 + H2O ->Glucose + O2.
Ngược lại, khí O2 do cây nhả ra không khí sẽ tới phổi, đi vào máu làm nhiên liệu để tất cả các tế bào trong cơ thể như não, tim, gan … sử dụng để phân giải được glucose tạo năng lượng cho hoạt động sống. Quá trình hô hấp của tế bào, được giản lược như sau:
Glucose + O2 -> CO2 + H2O + Năng lượng.
Khí CO2 do người thở ra lại quay về cung cấp tiếp cho cây quang hợp.
Vậy đó, các nguyên tử O2 và CO2 cứ lang thang quay vòng giữa cây cối và cơ thể người. Sự luân chuyển đó chính là điều cơ bản của sự sống, là điều giúp bạn tồn tại trong từng nhịp thở, cũng như giúp thực vật sinh sống và nuôi dưỡng chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái.
Và khi bạn ngừng thở, cuộc sống của bạn đã bắt đầu bước sang một cảnh giới khác, thì những hoạt động chuyển hóa trong cơ thể không còn cần thiết nữa.
Có một bài hát rất tinh tế đã mô tả sự kỳ diệu của luân chuyển vật chất như sau. Anh và em ở đây giống như 2 nguyên tử oxy trong phân tử 02 mà thôi. Kể cả O2 bị sử dụng trong quá trình hô hấp thì vẫn tạo ra CO2, tức là cặp đôi O2 và em bé Carbon mà thôi, phải không nào?
“Cuộc đời lãi nhất là những chuyến đi Kể cả đi trong suy nghĩ Đi bên anh em là nguời dẫn đuờng Cùng đi qua tháng năm, Đi qua buồn vui, và ngọt ngào cay đắng Cùng nhau khám phá, những miền rất xa, với bao điều mới lạ Cùng nhau buớc xuyên qua màn đêm, đêm lung linh tình yêu Ôi... ta có một thời để nhớ Em, hãy đi cùng anh, anh luôn bên em, nâng niu từng bước Này em, hãy đi cùng anh, sát cánh bên anh, vì anh yêu em.”
(Đi - Lê Minh Sơn, Văn Viết - Viettime travel ads)