top of page

NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

ĐƯỜNG MÁU VÀ INSULIN


Trong cơ thể người, máu có thể được ví như nước ao làng ngày xưa mọi người dùng sinh hoạt khi chưa biết đào giếng. Ví như vậy bởi nước ao vừa là nước dùng cho sinh hoạt vừa là nơi tắm táp, giặt giũ, rửa bát, chứa nước thải. Máu cũng vậy, máu mang hồng cầu chứa Oxy và chất dinh dưỡng như đường, axit amin,… làm nguồn sống cho khắp cơ thể. Ngược lại, máu cũng thu gom chất thải từ khắp các mô gửi về phổi, thận để xả rác.


Trong máu có một phân tử mang năng lượng dễ dùng là đường (glucose). Phân tử này có thể chui vào trong tế bào, sau đó được chuyển hóa để tạo năng lượng cho tế bào hoạt động. Thiếu glucose rất nguy hiểm, ví dụ tế bào não bị bỏ đói sẽ gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt. Khi đường máu tăng cao (ví dụ sau khi ăn), đường sẽ được cất vào “nhà kho” trong gan và mỡ nhờ hormone insulin. Khi cơ thể bị đói mà chưa kịp nạp năng lượng, hormone glucagon đường sẽ được lôi ra từ các nhà kho này trở vào máu và đi nuôi cơ thể.


TIỂU ĐƯỜNG XẢY RA KHI NÀO?


Tiểu đường (đái tháo đường) xảy ra khi đường trong máu không được nhập kho nên cứ quanh quẩn trong mạch máu đi khắp cơ thể. Điều này xảy ra do 2 nguyên nhân đều liên quan đến anh bạn shipper insulin.

1. Bưu điện bị đóng cửa nên không đủ shipper insulin để cất đường trong máu đi

-> Trường hợp này gọi là tiểu đường tuýp 1, thường do di truyền.

2. Lượng insulin vẫn đầy đủ nhưng chuông cửa ở gan và mỡ bị hỏng, không biết có đường được gửi để mang vào nhà kho cất. Hiện tượng này gọi là kháng insulin.

-> Trường hợp này gọi là tiểu đường tuýp 2, xảy ra ở phần lớn bệnh nhân.


NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG


mạch máu chỉ như ống nước vận chuyển các chất và nước sinh hoạt, mạch máu không có nhiệm vụ lưu trữ đường. Do vậy, sự tích tụ nhiều đường trong máu lâu dài sẽ làm hỏng mạch máu, gây ra bệnh tật ở những cơ quan nhạy cảm với tổn thương của mạch.


Video sau giải thích những biến chứng của bệnh tiểu đường

Để xem phụ đề tiếng Việt : Click vào Settings/Cài đặt trong video -> Subtitles/Phụ đề -> chọn Vietnamese / Tiếng Việt.

Triệu chứng cấp tính:

- Mệt mỏi, mờ mắt và hay đi tiểu do đường máu tăng cao đột ngột.


Tổn thương mãn tính xảy ra ở mạch máu nhỏ:


- Ở mắt: Khi các mạch máu li ti trong võng mạc mắt bị hỏng, thị lực sẽ bị giảm sút hoặc mất hoàn toàn (bị mù)

- Ở dây thần kinh: Tăng đường máu làm tổn thương dây thần kinh khắp cơ thể, làm hỏng nhiều nhất các dây thần kinh ở chân bàn chân, từ đó gây ra đau nhức, tê chân, co rút cơ bắp, cơ bị đuối sức nhanh. Nếu tổn thương trong thần kinh sinh dưỡng sẽ làm rối loạn nhịp tim, hệ tiêu hóa, bài tiết.

- Ở chân tay: Đường máu tích ở đầu ngón chân, ngón tay có thể gây hoại tử.

- Ở thận: Thận lọc máu nhờ hệ thống mạch máu phân bổ theo hình nan quạt quanh các tháp thận, máu từ động mạch thận sẽ chuyển qua cầu thận, nang Bowman và các ống thận để tạo nước tiểu. Tăng lượng đường ở động mạch thận sẽ làm giảm hiệu quả lọc máu của thận, làm protein vốn được giữ lại trong máu cũng bị thoát ra nước tiểu (albumin niệu). Lâu dần, các đơn vị lọc thận bị hỏng gây ra suy thận, phù nề chân tay do giữ nước và mệt mỏi.


Tổn thương mãn tính xảy ra ở mạch máu lớn:


- Ở tim:

Tăng đường máu cùng với tích tụ mỡ như cholesterol, lipoprotein (LDL), triglyceride làm cứng, tắc động mạch nuôi tim (bệnh xơ vữa động mạch), giống như miếng vữa đọng ở trong lòng ống nước. Khi tế bào tim thiếu máu sẽ không có đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động, gây ra thiếu máu tim cục bộ và nhồi máu cơ tim. Tiểu đường làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim gấp 2-4 lần.


- Ở não:

Giống như tim, tế bào não cần rất nhiều đường và oxy để hoạt động. Tiểu đường tạo ra các mảng vữa trong máu, khi trôi vào não sẽ làm tắc các mạch máu nhỏ, làm chết các vùng trong não. Ngoài ra, tiểu đường cùng với cao huyết áp có thể làm tăng áp suất máu chạy trong não và làm vỡ mạch, xuất huyết não.


Như vậy, tăng đường máu là rất nguy hiểm với cơ thể nếu không được phát hiện và điều trị. Một cách duy nhất để ngăn ngừa các biến chứng trên là thường xuyên kiểm tra lượng đường máu, thay đổi chế độ ăn, tăng tập thể dục để các tế bào gan, mỡ bén nhạy với insulin trở lại. Khi đó, bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ được đẩy lùi.





bottom of page