CHUYỆN BUỒN VUI BÊN BÀN TIỆC
Tháng 7 năm 2017, báo Bloomberg đăng bài có tiêu đề đại khái là “Dân nhậu Việt Nam làm các hãng bia lớn muốn lân la tìm chiếu” (Vietnam’s drinkers are giving the world’s top brewers beer goggles). Họ dùng cách chơi chữ “beer goggle” để chỉ các anh uống bia xong lại thấy đời đẹp hơn, nồng nàn thương mến “cô hàng bia” nhan sắc và phẩm hạnh thua xa “cô hàng nước” của nhạc sỹ Vũ Huyến. Điều này nói rằng tuy chén rượu, cốc bia chỉ là thứ tiêu khiển trên bàn nhậu, khi đưa lên thương trường, chính sự nghiện ngập này là miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào. Bởi vì, mục tiêu cuối cùng của kinh doanh là doanh số, là lợi nhuận, chứ không phải những đóng góp màu mè với xã hội như những chiến dịch quảng cáo mà tập đoàn đó hay khoe khoang.
Vậy ta cùng tìm hiểu mình đã trót để lộ bí mật gì cho Tây mà họ lại đam mê thị trường Việt Nam đến vậy?
1. KHI TÂY XEM NGƯỜI VIỆT ĂN NHẬU
Qua việc chịu khó tìm hiểu, người nước ngoài biết hầu như tất cả những gì dân nhậu hay hô hào trong tất cả các bữa ă tại Việt Nam. Bài báo của Bloomberg đã bắt đầu bằng nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói bán rượu là cách thực dân Pháp đầu độc nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ nửa thế kỷ sau, khắp nơi trên thành phố đều thấy các cô gái trẻ đẹp đi bán bia theo két. Khắp nơi, tiếng “123 dzô” rất đặc trưng của người Việt đều vang lên. Và họ cũng biết luôn dân thích “cạn chén” (bottoms up!) hay “100% chứ không chịu uống dè sẻn bao giờ.
Dưới đây là một số nhận định của nhà khoa học Martha Lincoln ở tận xứ California nắng ấm (Mỹ) trên tạp chí chuyên về nghiện ngập rượu và thuốc kích thích. Ông đã có những phát biểu như sau:
Sau Đổi Mới năm 1986, thị trường Việt Nam bắt đầu được phép giao thương với nước ngoài. Từ đó, cuộc sống của mọi người khấm khá hơn và bắt đầu biết giải trí. Nếu có thắc mắc sao không cho mậu dịch lưu thông sớm hơn, hãy xem lại năm 1975 ta đã làm ai mất mặt mà "hít le" luôn !
Do rủng rỉnh tiền hơn mà tiêu thụ rượu bia cũng bắt đầu tăng từ đây. Ví dụ, giai đoạn 2004-2005 đến giai đoạn 2008-2010, tiêu thụ trung bình rượu nguyên chất (tức là cồn 100% để nướng mực đó!) tăng từ 3.8 đến 6.6 lít/người/năm, cao hơn mức trung bình thế giới là 6.2 lít /người / năm (WHO, 2014). Đây là chưa kể thống kê của những loại rượu tự làm lấy hoặc bán chui mà không có nhãn hiệu.
Người Việt uống rượu bia ở hầu hết các dịp như lễ Tết, ma chay cưới hỏi, giỗ (death anniversary),…. Thị trường có đủ loại rượu là rượu trắng, rượu nếp, rượu đế, rượu thuốc và kinh khủng nhất là rượu rắn !!!
Quan niệm xã hội Việt Nam là đàn ông uống rượu bia thì mới “cool ngầu” vì “nam vô tửu như kỳ vô phong” (“A man without spirits is like a flag without wind”). Các anh uống rượu xong thì “rượu vào lời ra” (“with liquor in, talk comes out”) và “bốc phét”. Từ này khó nha, tiếng Anh không có, tác giả phải giải thích là “speak in aggrandizing, teasing or ridiculous fashion” là kiểu nói thích phóng đại, móc máy và lố bịch, chuẩn phết! Và hơi ngà ngà thì các anh lặp đi lặp lại (repeat) câu “không say, không về” (“not drunk, not going home”) để bắt người khác nốc rượu cùng mình thật nhiều.
Hành vi tâm lý như đã mô tả, với hầu hết tất cả quốc gia, là không bình thường, có phần hơi ngớ ngẩn. Tây họ vào quán bia nghe nhạc to to chút, uống xỉn xỉn chút thì bắt taxi về nhà đi ngủ thôi chứ không ngồi cãi nhau, oánh lộn hay thò chân vào bánh xe ngủ ở bụi cây hay lên siêu xe cút kít nhờ vợ "đủn" về nhà. Nhà nhân loại học Philip Taylor năm 2001 đã chỉ ra việc lạm dụng rượu bia là một cách hỗ trợ các quan hệ xã hội và làm dịu đi những mâu thuẫn giữa mọi người với nhau. Vì lúc say thì ai chả vui!
Ca sĩ Cẩm Ly có một bài hát miêu tả vô cùng chính xác hành vi này.
Vậy nhóm nào ở trong nhóm đối tượng nguy hiểm:
Rất nhiều nghiên cứu, thống kê khoa học độc lập đã chỉ ra rằng người Việt ham ăn nhậu, uống bia rượu ở khắp mọi miền đất nước. Ví dụ, ở miền Bắc, 26.1% đàn ông có nguy cơ nghiện rượu, đặc biệt là nam sinh viên các trường Y ở Hà Nội lại uống kiểu knock-out rất nhiều. Hãy tưởng tượng bác sỹ uống say và vẫn hành nghề thì hậu quả ra sao? Trong khi đó, ở miền Nam, 38.5% đàn ông thường uống say 5-6 lần trong 1 tuần! Tức là hầu như ngày nào cũng xỉn hoặc đang chờ tỉnh rượu !
Một điều tệ hại nữa là những mầm non tương lai của đất nước cũng bị trực tiếp đầu độc bởi rượu bia do tác động của những người xung quanh. Ví dụ, thanh thiếu niên ở Việt Nam bây giờ tập tọe uống ngày càng sớm. Trẻ em đã bắt đầu uống rượu khi lớp 6-7, và đến lớp 9-11 thì uống thường xuyên hơn vì a dua theo bạn đồng lứa (“peer pressure and imitating peers”). Vì bia rượu là một loại chất gây nghiện, nên một khi đã tập uống được thì sẽ duy trì lâu dài, nếu không muốn nói là suốt đời. Đau lòng hơn, chính các em bé nhỏ tuỗi cũng bị chính gia đình, người thân cho uống thử rượu bia và đem ra làm trò cười cho cả nhà vì những biểu hiện nhăng nhít lúc say. Xã hội kiểu gì vậy trời ?
Những điều trên đây chỉ là một vài ý chính trong bài viết tổng hợp (“review”) khá cẩn thận của Martha Lincoln tại trung tâm nghiên cứu phòng chống bệnh (Mỹ). Đọc mà nghĩ tác giả ngồi ngay trên đất Việt để viết ra bài này. Hết hồn !!!
2. THỐNG KÊ VUI VẺ
Một tin “vui” khác là, Việt Nam đã nhanh chân bước vào top 10 nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất của thế giới năm 2016 và tiếp tục trên con đường lập nên những kỉ lục mới. Thành tích trong năm 2015: tiêu thụ hơn 3.4 tỷ lít bia và 342 triệu lít rượu nặng.
Nếu lấy 3.4 tỷ lít bia chia cho dân số VN 91.71 triệu người (2015) thì trung bình mỗi người uống 37 lít bia 1 năm. Tuy nhiên, theo WHO, có 34.9% nam giới và 62.9% nữ giới tuyệt đối không uống bia rượu, tức là chỉ có gần 1 nửa dân số Việt Nam thực sự uống rượu bia. Cũng đúng thôi vì trẻ 0-15 tuổi và các cụ về hưu không thể uống 37 lít bia/năm được, không thì bia trở thành sữa à? Vậy làm lại phép tính: 3.4 tỷ lít bia / 46.7 triệu người = 72.8 lít bia là lượng một người uống vào mỗi năm.
Ta tiếp tục làm phép tính đơn vị cồn. Nếu 1 người uống trung bình 72.8 lít bia khoảng 5% (5 độ) mỗi năm thì số đơn vị cồn tiêu thụ sẽ tròn trĩnh là 72.8 x 5 = 364 đơn vị cồn/người/năm. Nếu tính cả lượng rượu 40 độ thì số đơn vị cồn mỗi người uống thêm từ rượu sẽ là: (342 triệu lít / 46.7 triệu người) x 40 = 293 đơn vị cồn / người / năm.
Suy ra, tổng số đơn vị cồn mà một người ăn nhậu uống vào mỗi năm là: 364 + 293 = 657 đơn vị cồn/người/năm.
Giả sử mỗi ngày chỉ uống 2 đơn vị cồn theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 thì gan sẽ mải miết phân giải rượu trong 657 : 2 = 329 ngày trong 1 năm. Và 1 năm có 365-366 ngày thì số ngày gan được nghỉ sẽ là: 365-329=36 ngày, tức là giống công nhân viên chức, làm 1 năm được nghỉ lễ + nghỉ phép khoảng hơn 1 tháng.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa kể rượu nhà làm, rượu đạp xăng, rượu quốc lủi, rượu Minh Mạng, tắc kè, bìm bịp, tay chân gấu, chân hổ, rượu rắn, rượu chim sẻ, rượu cá ngựa, rượu ong đất, rượu tằm, rượu sâu chít, hải sâm, sò huyết, rượu tinh hoàn (dê, khỉ, hổ), tiết (dê, rắn), mật(gấu, rắn, trăn), rượu cao khỉ, cao trăn, cao hổ cốt. Nếu những con số này thống kê được thì thôi đành tặc lưỡi cho gan hoãn "nghỉ phép" năm nay để tăng ca vậy. Thương ghê!!!
Những số liệu này chỉ ra rằng, ngoài thuốc lá thì việc tiêu thụ rượu bia quá nhiều là nguyên nhân chính gây ra các bệnh do lối sống sinh ra như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, ung thư. Nếu nói rằng lượng tiêu thụ bia này chỉ bằng một nửa của người Mỹ cũng đúng. Tuy nhiên, họ khỏe hơn và giàu hơn rất nhiều, và nếu có chút hắt hơi sổ mũi đã có dịch vụ chăm sóc sức khỏe nâng niu hết lòng trước khi bị bệnh nghiêm trọng rồi. Khác biệt này có thể nhìn thấy được ở tỷ lệ tử vong, ví dụ số ca tử vong do bệnh tim mạch ở Mỹ là khoảng 260 ca trên 100,000 người chết so với Việt Nam là 400 ca trên 100,000 người chết năm 2012. Điều này có nghĩa là một khi người Việt mắc bệnh tim mạch thì dễ chết hơn so với dân Mỹ.
3. THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM LÀ MIẾNG MỒI NGON
Thống kê trên gọi là thống kê vui vẻ vì đó là điều các nhà sản xuất rượu bia nhắm đến. Trên thương trường, họ chỉ cần tôn trọng luật pháp nước sở tại. Nếu nước đó không có luật cấm bán rượu bia cho trẻ em, cấm quảng cáo rượu bia, hạn chế giờ bán hàng, hạn chế số lượng rượu bia bán cho từng người,… thì đó là tín hiệu quá tốt với hãng kinh doanh. Hơn nữa, quản lý dây chuyền sản xuất bia và điều kiện đóng gói, phân phối không khắt khe như những nước phát triển thì sản xuất sẽ rẻ hơn nhiều, bán rẻ được hơn, bán nhiều hơn và doanh thu cao hơn.
Bởi vì dân nước nào cũng thích uống, cứ việc quảng cáo tốt, sản xuất lởm, bán bia rẻ rẻ chút, nếu chính phủ không ra mặt bảo vệ và hạn chế tiêu thụ cho các đối tượng thanh thiếu niên, công ty đó sẽ tha hồ “hốt bạc” thôi. Vậy câu hỏi tiếp theo là bạn rút ví trả bao nhiêu tiền cho nhu cầu giải trí này? Nếu ai cũng thèm bia rượu thì có phải người khá giả sẽ chi thoáng hơn, do đó cũng dễ bị bệnh do uống rượu bia quá đà gây ra không?
Thực tế, thị phần bia rượu Việt Nam có các ông lớn là Bia Sài Gòn (Sabeco), Bia Hà Nội (Habeco), Nhà máy Bia Việt Nam, bia Huế và Tân Hiệp Phát. Cổ phần của các hãng này nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng “rất nhiều tiền”. Nhà máy bia Việt Nam giữ hai thương hiệu nước ngoài lớn là Heineken và Tiger. Hãng bia Đan Mạch Carlsberg đã có 17% cổ phẩn của Bia Hà Nội khá lâu. Việt Nam lại là một trong những nước có tỷ lệ tiêu thụ bia Heineken lớn nhất thế giới. Tức là bia vừa xuất xưởng có khi không kịp giao đủ cho các đại lý lớn vì nhu cầu mua quá nhiều !!!
Sau một hồi mải miết mặc cả, Bia Sài Gòn gật đầu cái rụp, bán thành công 53,59% cổ phần cho hãng bia Thái vào cuối năm 2017, thu về 110.000 tỷ đồng. Quyết định rao bán cổ phiếu cuối 2017 của bia Sài Gòn là nguyên nhân các hãng bia rượu nước ngoài như Anheuser-Busch InBev, Heineken, Carlsberg, ThaiBev, Asahi, Kirin loạn xí ngầu lên để chen chân vào Việt Nam và cũng là nguồn cơn của bài báo đã nói trên Bloomberg. Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã trả giá cao nhất và mua được cổ phần Sabeco. Chính ông đã thâu tóm cổ phần của hệ thống Metro và có cổ phần trong Vinamilk và B’mart. Tuy nói là cổ phiếu đang tụt giảm vì nhiều lý do, cuộc sống có biến động thế nào thì chẳng ai bỏ được việc mua sữa cho con, mua đồ ăn và mua bia cho chồng. Do vậy, thị trường của rượu bia, thuốc lá, thực phẩm thường không nhiều biến động và rủi ro như các ngành khác. Vậy có nghĩa là đầu tư vào các ngành này thì có thể luôn có lãi.
KẾT LUẬN
Tóm lại, hiểu biết về bệnh tật chỉ dựa vào cơ chế bệnh là hơi phiến diện. Bài viết trên chỉ là một ví dụ chỉ ra mối liên quan của nhiều nhóm bệnh tật phổ biến với thực trạng kinh doanh của đất nước, tức là một yếu tố của xã hội. Để hiểu mối quan hệ của từng loại bệnh với những yếu tố xã hội khác thì cần thêm nhiều phân tích theo cách này nữa. Thời đại này không ai nói vo được mà phải nói chuyện bằng những con số và báo cáo minh bạch. Bài viết đã chỉ ra rằng việc coi ăn nhậu và uống rượu bia như một phông nền văn hóa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm thâm hụt túi tiền của mỗi người. Uống rượu bia không còn là một việc làm yêu nước, ủng hộ kinh tế nước nhà nữa mà góp phần rót tiền vào các hãng rượu bia nước ngoài. Ta sẽ nghèo đi mãi và họ sẽ giàu thêm nữa !
Vậy thì thôi không uống nhiều nữa nhỉ? Việc thay đổi suy nghĩ là khó khăn nhất, một khi giảm được lượng rượu bia uống vào thì đầu óc sẽ thông thoáng hơn, sẽ hình thành nhiều lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe và kinh tế của bản thân nữa. Lúc đó, bạn sẽ sống và có thể thành người đàn ông “chuẩn men” theo chỉ tiêu của nhạc sỹ Lê Minh Sơn:
“Làm đàn ông khó lắm Không được sống bung phèng Phải biết vắt tay lên trán suy nghĩ Khi việc nước được giao Cho đến khi về nhà Mặt phải luôn tươi cười Dù gặp bao khó khăn, dù gặp bao lo toan, làm thân xác mệt nhoài.”
Nguồn tài liệu: click vào những từ có gạch chân trong bài viết để đến trang có thông tin đó.
Bonus: MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT GIẢI QUYẾT
NẠN RƯỢU BIA TỪ NHÂN DÂN
(Nguồn: Tuổi Trẻ Cười)