BAD MOMS – NHỮNG BÀ MẸ “TỒI” nhưng “TUYỆT”
Vì sao 8X đời cuối và 9X hoang mang khi lập gia đình ? Con đường nào để phát triển tương lai cho con?
NỖI KHỔ CỦA THẾ HỆ F2
Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” đang công chiếu trên HTV2 và youtube đang đưa ra một hiện tượng rất phổ biến ở xã hội Việt. Bộ phim chỉ ra 3 thế hệ chính của phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21. Ba thế hệ (tạm gọi là P, F1, F2 theo thuật ngữ sinh học) mang những đặc điểm vô cùng khác biệt nhau như sau:
Thế hệ P là những người chịu hi sinh tất cả, một mình nuôi con khi chồng bận tham gia việc nước. Bài hát yêu thích gồm có “Cô gái mở đường”, “Cô gái vót chông”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”,… Tóm lại là nhờ nhạc đỏ giúp cho các bà tôi luyện được “gen chịu đựng” ở mức độ siêu cấp. Tuy nhiên, kĩ năng nuôi con đơn giản là thả rông cho lớn, tự phát triển.
Thế hệ F1 là con của thế hệ P, phần nhiều lớn lên trong thời bao cấp, dành vài năm đi di tản tránh bom và xếp hàng nhận tem phiếu. Tuổi thơ lấp lánh mùi lúa chín, mò cua bắt ốc, trộm trái cây… Vì phần lớn gia đình ở giai đoạn này phần nhiều khốn khó nên thế hệ này học được nhiều kĩ năng sinh tồn, vô cùng chăm chỉ làm việc kiếm tiền khi trưởng thành. Nhưng cũng vì tuổi thơ vất vả, thế hệ F1 mong mỏi con cái học hành có thành tích tốt, công việc ổn định và thu nhập cao nên tìm mọi cách áp dụng “bí quyết bách thắng” đáng thương cho con cái của mình
Thế hệ này giờ đang lui vào hậu trường nghe “Đà Lạt mộng mơ”, đi du lịch nhiều hơn khi chưa phải bận rộn bế cháu và tranh thủ giúp đỡ con cái về tài chính và công việc càng nhiều càng ít.
Thế hệ F2 là kết quả nuôi dạy của thế hệ F1. Tuổi thơ phần nhiều đủ đầy hơn, đã được đi học đàn, hát, võ, vẽ ở Cung Thiếu Nhi vào những mùa hè. Nhưng từ khi vào lớp 1 cho đến lúc xong đại học, yêu cầu duy nhất là chỉ cần học, thi đỗ và xin được việc công chức ổn định theo mong mỏi của thế hệ trên. Vì tuổi thơ không vất vả nên “gen chịu đựng” từ thế hệ P đã hết, kĩ năng sinh tồn kém hơn, thay vào đó gen “hoang mang” bắt đầu được biểu hiện khi bản thân bắt đầu gặp thất bại khi ra cuộc đời. Đây là khi con gái đi làm không có kĩ năng, về nhà không biết nấu nướng vun vén gia đình; và con trai ngoài chơi game, ăn nhậu và bốc phết thì có thể có thêm kĩ năng nhiếc móc vợ. Đó là khi F2 than vãn bố mẹ đã không dạy mình những kĩ năng cần thiết để ra đời làm việc không bị lừa lọc, bị lợi dụng và làm hại. Đó là khi thế hệ tuổi teen mắc các bệnh tâm lý, trầm cảm, cự tuyệt giao tiếp với tất cả mọi người….
TẠI SAO NÊN NỖI ?
Điều này nói lên vấn đề gì? Đó là tình yêu truyền thống của thế hệ F1 với con đã được thể hiện sai phương pháp. Sự nuông chiều con thái quá và thúc ép học hành để lấy một công việc giữ chân là nguyên nhân gây ra những nỗi sợ, áp lực quá lớn cho con. Thế hệ F1 đã vô tình làm “nô lệ” cho con, nhờ “bí quyết bách thắng” đã góp phần tạo ra những thành phần ăn bám xã hội mà nước ngoài ưu ái đặt tên là NEET kids (not in education, employment and training). Kể cả những đứa con có công việc ổn định, sau khi lấy chồng vẫn thấp thỏm muốn về nhà mẹ đẻ, nuối tiếc trách mẹ không dạy làm món này kia, cách nuôi con, quản lý tài chính để khi về nhà chồng phải chới với rất lâu. Tệ hơn là các bà mẹ F1 bênh con trai chằm chặp nên vô hình chung người chồng của phụ nữ F2 không có khả năng giúp đỡ công việc gia đình, dạy dỗ con cái và kĩ năng lắng nghe, giải quyết mâu thuẫn trong nhà. Nói tóm lại, nhiều người ở thế hệ F2 bất kể nam nữ đã trở thành “thế hệ ăn bám” ở một số điểm nào đó.
Thực tế này không chỉ thể hiện ở Việt Nam mà còn rất phổ biến ở Trung Quốc. Mô hình “421, 621” ở Trung Quốc là gia đình có nhiều người lớn chỉ tập trung vào việc đùm bọc, yêu thương 1 đứa trẻ. Họ dạy cháu rằng “nếu chưa giàu thì hãy sống như một triệu phú”….
“Tờ Liên hiệp buổi sáng của Singapore từng đăng một bài viết nói rằng: Hơn 65% gia đình Trung Quốc tồn tại hiện tượng “già nuôi trẻ”, những đứa con xấp xỉ ba mươi tuổi vẫn trông cậy vào sự cung dưỡng của cha mẹ già. Chẳng trách không ít người hô hào: Đề cao cảnh giác với hiện tượng nhiều năm gần đây: “Nuôi con phòng lúc tuổi già”, hóa ra lại thành “nuôi con ăn bám thân già”!” (Trích trong “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”). Bài viết này đã chỉ ra 4 sai lầm lớn trong cách thương và dạy con của phụ huynh Trung Quốc:
1. Chăm chăm giáo dục tố chất (văn thể mỹ, điểm số cao) mà lãng quên giá trị đạo đức
2. Đáp ứng mọi đòi hỏi của con, nhiều khi còn đoán trước ý thích của con cái để chuẩn bị trước để tạo nhiều bất ngờ cho con. Đứa trẻ quen dần với việc được cưng nựng thì sẽ không cần phải quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của người khác nữa.
3. Biết yêu mà không biết dạy (ví dụ lúc nào cũng xúc cơm cháo cho con mà không dạy cách cầm thìa đũa lấy đồ ăn)
4. Chăm sóc, quan tâm, ép buộc quá mức làm cho đứa trẻ không có khả năng tự mày mò hay tư duy để giải quyết vấn đề.
Vậy cho nên, không lạ gì mà thế hệ F2 khi ra đời thấy choáng váng, ngột ngạt và có cảm giác thất bại. Nếu thế hệ này cứ tiếp tục ôm toàn bộ cách yêu thương này vào thế hệ sau thì hậu quả nhãn tiền là mẹ trầm cảm sau sinh, con bị tự kỉ hay tự tử khi bị thúc ép quá. Hậu quả xa hơn là con cái không có tương lai, tiếp tục quay lại ăn bám và hành hạ song thân.
HỌC LÀM BAD MOMS NHỜ 4 CUỐN SÁCH
Phân tích nhỏ trên cho thấy, phương pháp thương yêu của các “bà bỉm sữa” đã có vấn đề, gây ra nhiều tác hại cho cuộc sống của các “mẹ bỉm sữa” khi xây dựng cuộc sống riêng của mình. Do vậy, việc thay đổi nhận thức, nhận ra vấn đề và thay đổi quan điểm sống là phương pháp duy nhất các mẹ bỉm sữa có thể làm được nếu mong muốn con cái nắm vững kĩ năng sinh tồn và mạnh mẽ trở thành công dân toàn cầu. Để thực hiện được cần rất nhiều sự thay đổi về tư duy và hành động ở cha mẹ. Bốn cuốn sách sau sẽ đưa ra những giải pháp trên những trường hợp thực tế đã xảy ra trong cuộc sống để bạn dễ áp dụng và làm theo.
1. Khi con từ 0-3 tuổi: đọc “Nuôi con không phải là cuộc chiến” để biến cách đưa con vào nề nếp từ khi mới sơ sinh, tôn trọng wonder weeks là khi con trái năng trở trời khi đang học phát triển thêm kỹ năng. Nhóm tác giả đã có một fan group hùng hậu trên facebook
2. Khi con 3 tuổi trở lên: đọc “Mẹ luôn đồng hành cùng con”. Tác giả Dương Văn là một giáo viên Trung Quốc, đã chỉ rõ vấn đề của giáo dục đương đại tại Trung Quốc, và cách dạy con trai của chính bản thân trở thành sinh viên đại học Cambridge. Sách được bán bởi thầy Nguyễn Quốc Vương một người thầy chuyên dịch sách và viết sách về giáo dục, liên tục chia sẻ trên trang facebook về rất nhiều sách hay về phương pháp giáo dục:
3. Khi con bắt đầu có nhận thức về cuộc sống: đọc “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”. Tác giả Sara Imas là một người Do Thái (Israel) lớn lên tại Trung Quốc, đã bị mất hết tất cả trong Cách mạng Văn hóa, sau khi có con đã trở về Israel sinh sống, đi bán nem rán mà nuôi 2 người con trai trở thành tỉ phú trước tuổi 30. Tác giả viết dựa trên so sánh phương pháp giáo dục con của người Trung Quốc và người Do Thái, chỉ rõ tại sao hai phương pháp dạy con có kết quả hoàn toàn khác nhau.
4. Khi chồng ở “mọi lứa tuổi”: đọc “Why men love bitches”. Sách bán chạy tại Mỹ. Tác giả giải thích tại sao phụ nữ càng chăm chút, nâng niu và phụ thuộc vào người yêu/chồng lại vô cùng không hạnh phúc. Và làm thế nào để người kia phải mải miết theo đuổi cả đời. Tin hay không, phương pháp chỉ đơn giản là “makeno” thôi. Bạn có thể nhấn vào tựa sách để tải về miễn phí.
Quyển sách này đã chỉ rõ ràng: chỉ có phụ nữ có kiến thức, lối suy nghĩ thẳng thắn, có thể sống độc lập về tinh thần và tài chính mới tự tạo được hạnh phúc cho mình. Người đàn ông khi đó sẽ phải mải miết chạy theo, nếu không sẽ bị tụt hậu toàn hoàn và có nguy cơ mất luôn người phụ nữ đáng lẽ cần được trân trọng nhiều hơn. Và những người đàn ông khi đã thay đổi sẽ vui vẻ đồng ý với quan niệm của nhạc sỹ Lê Minh Sơn trong bài hát này:
Nếu cảm thấy những sách trên quá khó khăn để hiểu và thay đổi cách sống, các mẹ hãy vô tư áp dụng phương pháp truyền thống, tiếp tục cho ti rong, xúc cơm cháo đến tuổi lên 3, chạy trường điểm và đút lót thầy cô giúp con. Tất nhiên sản phẩm giáo dục cũng sẽ rập khuôn theo theo những sản phẩm truyền thống F2.
Chúc các mẹ F2 thoát kiếp “tiger mom” và tự tạo được “bí quyết bách thắng” của riêng mình.