top of page

THẢM KỊCH TỬ VONG DO HÚT THUỐC LÁ ĐANG GÂY RA Ở VIỆT NAM

Đây là bao thuốc lá Carlton bán ở Anh, các anh nhìn có bị “kích thích” không? Trên bao thuốc, họ đăng hình em bé tò mò nghịch điếu thuốc và lời cảnh báo “Trẻ con ở nhà có người hút thuốc sẽ rất dễ tập hút thuốc”. No prolem – không hề chi, nhà tôi toàn con trai kiểu gì sau này chả hút! Lại nghe ca sỹ Anh Khoa (Hungary) nhấn nhả bài “Khói thuốc lá” nữa thì sẽ thèm hút không chịu được rồi (1). OK mỗi người sẽ có một điếu, nhưng đọc bài viết xong đã nhé !




1. LUẬT RA SAO ?


Năm 2012, Việt Nam giơ tay quyết tâm thề với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng chúng em sẽ áp dụng triệt để quy chế quản lý thuốc lá trong nước, đảm bảo sang năm em báo cáo kết quả mỹ mãn! Vậy Việt Nam hứa hẹn với WHO những gì?


Thứ nhất, cấm triệt để người hút thuốc lá ở nơi công cộng như trong bệnh viện, trường mầm non, tiểu học, khu vui chơi của trẻ em. Chúng em sẽ làm “lồng” riêng quây dân “nghiện hút” vào nếu lỡ đang làm việc muốn đi hút xả stress. Thứ hai, chúng em nhất trí quán triệt quảng cáo thuốc lá tràn lan. Để họ bán dễ như thế thì có mà loạn à!


Thứ ba, tổ chức bảo chúng em là thuế đánh vào thuốc lá là phải 70% giá bán ý à? Chết chết, thế thì chúng em lãi vào đâu! Thôi chúng em cứ tạm để khoảng một nửa (36%) còn có đường đi lại chứ không sản xuất của chúng em khó khăn quá! Rồi chúng em sẽ tăng thuế lên 50%, 70%, nhưng mà từ từ thôi nhé. Tăng cao quá dân chúng em nghèo không mua được mà hút nữa thì tội nghiệp cho doanh nghiệp, chúng em cũng thiệt thòi lây. Rồi gì nữa ạ! Nhãn bao bì à? Em biết rồi, bao của em có cái tem “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” (Vinataba) rồi đấy? Khuyến cáo rõ ràng rồi đấy thôi! Gì ạ, dạ chưa đủ to ạ? Vâng vâng em sẽ dán cái phổi to tướng lên bao thuốc cho dân sợ không hút nữa. Nhưng mà hãng thuốc nào đăng ký bản quyền trước luật quản lý thuốc lá ra năm 2012 là em kệ không dán thêm gì đâu đấy, hãng đó trả tiền giữ bao bì cho thương hiệu rồi! Được chưa được chưa ôi lằng nhằng quá đi mà! Cho em về nhé, bye!


2. THỰC THI THÌ THẾ NÀO?


Vừa đi họp về, hai năm sau đã thấy báo Diplomat sang rình rập rồi về nước giật tít “Vấn nạn thuốc lá ở Việt Nam” (“Vietnam”s Tobacco Problem”). Báo họ viết như thế này thì có oan không ?

- Tác giả viết: “Tôi sang Hà Nội đi ngắm Hồ Gươm, gặp mấy bác già khành khạch hút thuốc lào, nói chuyện gì mà rôm rả quá. Thấy tôi ngơ ngơ, các bác vồ vập lại mời hút: “Ê Tây à, chú em ơi, hút thuốc lào không? Hút điếu thuốc lào nâng cao sức khỏe! Phê lắm thử đi!” rồi cười toe nhe hàm răng chiếc còn chiếc mất, nhuốm màu thời gian ("a broad gap-filled smile of yellowing teeth"). Tôi xua tay từ chối vẫn được nhiệt tình mời tiếp: “Chú em đang ở Việt Nam mà, đàn ông như chú em là phải biết hút. Không hút không phải đại trượng phu!” Chết dở cụ mời nhầm đối tượng rồi cụ ơi, nó là đài địch đấy!

- Việt Nam có 15 triệu người hút thuốc thường xuyên, đứng top 15 thế giới năm 2013. Số người hút thuốc này chiếm 48% nam giới và 1,4% nữ giới trong thành phần dân số.

Có từng đó thôi! Thành tích này chứng tỏ thuốc lá (top 15) và uống rượu bia (top 10 thế giới) là chỉ số vàng của đàn ông Việt. Vì thế nên số người hút sẽ tăng lên theo năm tháng vì đàn ông Việt không đủ hai tiêu chuẩn này thì thường được tặng váy, mà váy thì họ chê mặc !

- Trên văn bản báo cáo năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành gần xuất sắc trọng trách được WHO giao phó với những điểm chính sau. Thứ nhất là đã cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Nhưng nếu 17 tuổi đã mọc râu rồi thì có thể xem xét. Mà tóm lại các em ý đi mua thuốc lá hay quên căn cước công dân, trông đủ già thì sẽ bán. Đã quán triệt rồi thế mà lại chui đâu ra chị Nguyễn Thị Phương quận Bình Thạnh bảo chả nghe được lệnh cấm bán thuốc lá, chết chết tắc trách quá!


Buôn bán thuốc lá tại Việt Nam

- Thứ hai, VN báo cáo từ năm 2009, đã phạt triệt để 10 người hút thuốc không đúng nơi quy định của tỉnh Lào Cai! Vâng, có 10 người thôi ạ. Ngoài ra thì các yêu cầu khác đều tuyệt đối chấp hành quy định.

- Diplomat cãi sao vào hàng cà phê bóng đá khói thuốc lá lại nghi ngút như trong chùa ? Không có câu trả lời.

- Họ lại nói người Việt dành những 2,4 tiếng lê la trên mạng hàng ngày, phần lớn dưới 35 tuổi. Mà 22% người Việt trong nhóm tuổi 16-24 đã bắt đầu hút thuốc. Nhóm tuổi này chiếm 16,23% dân số Việt Nam, tức khoảng 15,5 triệu người.

Như vậy, số dân vừa hút thuốc vừa nghiện mạng sẽ là 15,5 x 22% = 3,41 triệu người. Internet tiện quá đi mà không hề có chiến dịch chống thuốc lá nào trên mạng cho dân tình được biết là sao? Thế 3,41 triệu người đó vẫn tiếp tục hút thuốc và lướt web đến bao giờ, có hút đến lúc chết không?

- Thế giới đã áp thuế thuốc lá 65-75% rồi và đến 2018 sẽ đồng nhất tăng lên 75-85% mà sao Việt Nam bán rẻ thế, thuế có 40%, âm mưu gì đây? Trong nước, VN đã áp thuế tăng lên 40% từ 36% để theo chủ trương của WHO năm 2013 rồi mà. Tuy nhiên, chủ tịch HĐTV Vinataba Vũ Văn Cường lại công khai phản đối tăng thuế, với lý do như thế phải cắt giảm nhân lực và ảnh hưởng thu nhập của tập đoàn. Không những thế tăng thuế lại còn làm dân phải dùng sang thuốc lá dởm bán tràn lan từ biên giới vào, thế có vất vả hơn là cứ mua Vinataba mà hút không?



- Nhưng nói thế mãi không được vì ác với người tiêu dùng quá vì bán rẻ họ hút nhiều lại chết nhanh. Mà người tiêu dùng là người trả tiền mua thuốc lá phải không? Nếu chết nhanh và nguy hiểm quá thì còn ai mua, và ai dám hút nữa! Vậy nên thôi tập đoàn nhắn chính phủ tăng từ từ cho chắc chân.


Năm 2016, thuế thuốc lá ở Việt Nam đã tăng 70% giá xuất xưởng. Để ý đây là giá xuất xưởng sẽ thấp hơn giá bán lẻ, nên 70% giá xuất xưởng vẫn thấp hơn 70% giá bán lẻ, tức là vẫn dưới chỉ tiêu chung của thế giới.


Tác giả Kim Megson của bài báo Diplomat kết bài bằng đoạn văn miêu tả ông cụ hút thuốc lào: “Cụ lại tươi cười mời hút tiếp, không ép tôi hút được nữa thì hơi nản, lắc lắc đầu rồi nhấp tí trà xanh, châm điếu rít sâu một hơi phê pha trong làn khói thuốc. Chưa hết cơn phê, cụ đã bắt đầu ho sặc sụa, khạc một đống đờm đen “bửn” xuống vỉa hè. Cụ chờ đúng nửa phút rồi làm thêm điếu nữa.”


Vietnam smoking


(“Back at the Old Quarter cafe, the smiling smoker offers his bamboo pipe to his new foreign friend one final time. Following another polite refusal, he shakes his head, puts down his glass of green tea and takes a drag himself. His eyes close as he deeply inhales the acrid fumes, his face a picture of enjoyment. Moments later he bursts into a violent, racking cough, projecting a dark lump of phlegm onto the pavement. He waits a whole thirty seconds before taking another puff.”)


Đọc xong mà thấy đắng lòng! Họ ghi lại vì điều này họ ít khi thấy, vì lạ hoặc ghê rợn mới tả chi tiết như vậy. Người Việt nhìn khạc nhổ quen mắt rồi thì coi là chuyện thường.


3. HÚT NHIỀU VÌ THUỐC LÁ QUÁ RẺ


WHO thông báo số người chết do hút thuốc lá ở Việt Nam là 40.000 người / năm. Việt Nam có 713 huyện. Bây giờ cứ thử chia đều ra các huyện thì mỗi huyện sẽ có 56 chiến sĩ ra đi vì hút thuốc lá năm 2013. Chuyện nhỏ mà, một huyện có bao nhiêu xã, mỗi xã chết có vài người thôi. Vả lại, nhỡ không phải họ chết vì hút thuốc lá thì sao! Tóm lại, không phải lỗi của chúng em. Còn số tiền 1,1 tỷ USD người dân mang đi chữa bệnh đấy là các bệnh ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ, đủ các thứ bệnh, đừng có đánh đồng vào việc hút thuốc !!!


Thấy Việt Nam cãi ghê quá, WHO cử Tổ chức bệnh phổi thế giới (World Lung Foundation -WLF) đến làm tới bến, ra kết quả trước năm 2030, Việt Nam sẽ có 70.000 người chết vì hút thuốc lá. Trong 18 năm mà tử vong gần gấp thôi là tại sao? Tiền chúng tôi cho 10 triệu USD năm 2013 để chạy dự án chống hút thuốc, các anh mang đi giết người à? Rồi lại sắp sửa xin WLF mang máy móc trợ giúp đến cứu người ung thư và lao phổi do hút thuốc lá mấy năm nữa cho mà xem!


Chưa hết đau đầu, anh Tàu lại le te sang báo cáo hộ, ê Việt Nam tiêu đến 1,4 tỉ USD vào hút thuốc đấy, bây giờ số người hút tăng thêm hơn 1 triệu thành 15,6 triệu người rồi, 75,9% nhóm đấy hút thuốc ngày ít phải 10 điếu đến nửa bao còn 37,6% thì chơi nguyên cả bao hàng ngày cơ. Rồi vào viện K của VN xem người ung thư phổi xem, 96,8% trong đấy là hút thuốc lá đấy. Khổ quá ông bạn vàng đang giấu đi không được lại lôi ra khoe. Tốn công tôi bỏ tiền cho ông nhậu hôm qua!


Thôi dù sao Tàu vẫn là anh, mình vẫn nên nghe nhỉ. Bây giờ theo anh Tàu nói thì mỗi người Việt tiêu bao nhiêu tiền vào hút thuốc lá mỗi năm đây? Ta lấy 1,4 tỷ USD : 15,6 triệu người = 90 USD (2 triệu VNĐ). Vậy tiêu hàng tháng là 2 triệu : 12 tháng = gần 170.000 VNĐ cho hút thuốc nhé. Ôi rẻ thế thì ai chả hút được nhể? Nhưng mà chắc các bác giàu đến lúc ung thư phổi mới sang Singapore, Úc chữa được chứ em hút tào lao vậy thôi, bị ung thư thì em về nhà, em ôm vợ khóc. Vợ em chu đáo lắm, sẽ chiều chuộng em đến lúc em "thăng đường".


Vinataba

Phản ứng lại, Việt Nam dự tính tăng thuế thêm 5000 VND mỗi bao nữa để miễn 1,5 triệu người được hút và đỡ 900.000 đám ma mỗi năm, nhập kho bạc 10.700 tỷ đồng. Đối với “Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá” theo Luật của WHO, Việt Nam chê chương trình WHO không thiết thực nên dân không chịu bỏ thuốc. Một điều lạ là có ai thấy những thông tin độc hại về thuốc lá được phổ biến khắp đường phố hay trên tivi không? Giáo dục về sự độc hại của thuốc lá có được đưa vào chương trình ngoại khóa ở trường THPT nơi các em bắt đầu “có hứng” và tập tọe hút thuốc? Vậy tính sao để đào tạo nhân dân hãy tránh xa thuốc lá thuốc lào đây??? Và tiền quỹ đã có sẵn cho dự án này đi đâu, bay đâu?


4. DÂN CHẾT VÌ THUỐC LÁ NHIỀU NHƯ THỜI CHIẾN


Chuyện hút thuốc sao lại đi so với chiến tranh? Vì cả hai vấn đề đều làm chết người cả. Thôi tính tàm tạm chiến tranh Việt Nam có khoảng 2 triệu dân thường chết + 1 triệu lính Việt Cộng và VNCH = 3,1 triệu người. Chia đều 713 theo địa lý VN hiện tại cho tiện thì mỗi huyện sẽ có 3,1 triệu : 713 = 4348 người chết mỗi huyện. Chiến tranh Việt Nam kéo dài 1954 đến 1975 là ròng rã 21 năm. Như vậy, mỗi huyện có trung bình 4348 : 21 = 207 người chết trong một năm.


Có thể dễ dàng thấy trung bình số người chết trong 1 huyện trong chiến tranh cao hơn hẳn so với chết do thuốc lá 56 người/huyện năm 2013 và kể cả dự tính 98 người chết/huyện trước 2030. Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc là hết, không ai chết thêm mà chỉ chết đói chút thôi. Còn hút thuốc lá, trong 17 năm thì “lãi suất” số người chết mỗi năm trong mỗi huyện là (98 : (56 x 17)) × 100% = 10,29%, tức là năm sau số người chết lại tăng thêm khoảng 10% so với năm trước, vượt xa lãi suất tiết kiệm của ngân hàng.


Vậy thì tới bao giờ tốc độ người chết trong mỗi huyện sẽ theo kịp tần số tử vong trung bình của chiến tranh Việt Nam? Lấy mốc 2013 thì số năm để tiến tới là 207 : (56 x 10%) = 37 năm. Vậy thì năm 2050, tần số tử vong do hút thuốc lá sẽ bằng trung bình tần số tử vong trong chiến tranh Việt Nam, sẽ giữ vững 207 người chết một huyện trước khi tăng lên 228 người/huyện vào năm 2051 !


Những phép tính này chỉ để thể hiện rằng những cái chết do bệnh tật, không chỉ gây ra bởi hút thuốc lá, sẽ trải dài theo thời gian và tăng dần về số lượng và chưa có biện pháp hiệu quả giải quyết với hiện trạng giáo dục và y tế của Việt Nam. Do vậy, trước khi được bảo vệ bởi luật pháp, mỗi người phải tự giáo dục bản thân về hiểu biết bệnh tật, từ đó biết cách giữ sức khỏe và nâng cao tuổi thọ cho mình.


KẾT LUẬN

Bài phân tích này hầu hết chỉ dựa vào một bài báo trên một tạp chí chuyên cung cấp thông tin thời sự của toàn châu Á (Diplomat) nên góc nhìn còn hạn chế .Dựa vào những tính toán cơ bản, ta có thể thấy được hiểm họa của thuốc lá với sức khỏe và tính mạng của người Việt Nam. Liệu đến 2050, bài hát “Mùa thu chết” mà nhạc sỹ Phạm Duy sáng tác năm 1965 trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam sẽ vẫn còn hiệu nghiệm về những sự chia lìa vĩnh cửu, không phải do chiến tranh mà là bệnh tật trong xã hội hiện đại không? (12,13) Câu hỏi này, nếu thế sự không chuyển vần, được đáp lại chỉ là một tiếng thở dài.

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi! Mùa Thu đã chết em nhớ cho Mùa Thu đã chết em nhớ cho Mùa Thu đã chết đã chết rồi. Em nhớ cho! Em nhớ cho Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này trên cõi đời này Từ nay mãi mãi không thấy nhau Từ nay mãi mãi không thấy nhau”

(Trích Mùa thu chết – Phạm Duy 1965)




Nguồn tài liệu: click vào phần gạch chân trong bài viết sẽ đến đường link gốc.



bottom of page